Vai trò của lợi ích kinh tế đối với các chủ thể kinh tế - xã hội trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Vai trò của lợi ích kinh tế đối với các chủ thể kinh tế - xã hội trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

1. Lợi ích kinh tế là động lực trực tiếp của các chủ thể và hoạt động kinh tế - xã hội

Trong nền kinh tế thị trường, phương thức và mức độ thoả mãn các nhu cầu vật chất thường được đo bằng mức thu nhập. Do đó, thu nhập càng cao, phương thức và mức độ thoả mãn các nhu cầu vật chất càng lớn. Vì vậy, mỗi chủ thể kinh tế đều phải hành động để nâng cao thu nhập của mình.

Về mặt kinh tế, tất cả các chủ thể kinh tế đều hành động:

Vì lợi ích chính đáng của mình, lợi ích này phải được đảm bảo trong sự liên hệ với các chủ thể khác trong xã hội. Phương thức và mức độ thoả mãn các nhu cầu vật chất phụ thuộc vào số lượng, chất lượng hàng hoá và dịch vụ mà xã hội có được. Tất cả các nhân tố đó lại là sản phẩm của nền kinh tế và phụ thuộc vào quy mô và trình độ phát triển của nền kinh tế. Theo đó, bằng việc theo đuổi lợi ích kinh tế chính đáng của mình, các chủ thể kinh tế đã góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế.

Vì lợi ích chính đáng của mình, người lao động phải tích cực hoạt động sản xuất, nâng cao tay nghề, cải tiến công cụ lao động; chủ doanh nghiệp phải tìm cách nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách hàng bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong phục vụ người tiêu dùng...

Tất cả những điều đó đều có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất, của nền kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân.

2. Lợi ích kinh tế là cơ sở thúc đẩy sự phát triển các lợi ích khác

Phương thức và mức độ thoả mãn các nhu cầu vật chất còn phụ thuộc vào địa vị của con người trong hệ thống quan hệ sản xuất xã hội, vì vậy để thực hiện được lợi ích của mình, các chủ thể kinh tế phải đấu tranh với nhau để thực hiện quyền làm chủ tư liệu sản xuất.

Lợi ích kinh tế được thực hiện sẽ tạo điều kiện vật chất cho sự hình thành và thực hiện lợi ích chính trị, lợi ích xã hội, lợi ích văn hoá của các chủ thể xã hội. Lợi ích kinh tế mang tính khách quan và là động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội.

Chỉ khi có sự đồng thuận, thống nhất giữa các lợi ích kinh tế thì lợi ích kinh tế mới thực hiện được vai trò của mình. Ngược lại, việc theo đuổi những lợi ích kinh tế không chính đáng, không hợp lý, không hợp pháp sẽ trở thành trở ngại cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ở Việt Nam, trong một thời gian dài, vì nhiều lý do, các lợi ích kinh tế, nhất là lợi ích cá nhân, không được chú ý đúng mức. Hiện nay, trong điều kiện cơ chế thị trường, quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam là: coi lợi ích kinh tế là động lực của các hoạt động kinh tế; phải tôn trọng lợi ích cá nhân chính đáng. Điều này góp phần tạo động lực cho sự phát triển đất nước trong những năm vừa qua.

e-LECTURER.vn -Triết học và ứng dụng

0 Nhận xét