Nội dung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
1. Khái niệm
Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là hệ thống đường lối, chủ trương chiến lược, hệ thống luật pháp, chính sách quy định xác lập cơ chế vận hành, điều chỉnh hoạt động, mục tiêu, phương thức hoạt động, cơ chế hệ thống lợi ích của các tổ chức, các chủ thể kinh tế nhằm hướng tới xác lập đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường hiện đại theo hướng góp phần thúc đẩy đất nước phát triển, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
2. Nội dung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
a. Hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp
Hoàn thiện thể chế về sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cần thực hiện các nội dung sau:
Thể chế hoá đầy đủ quyền tài sản (quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt và hưởng lợi từ tài sản) của Nhà nước, tổ chức và cá nhân. Bảo đảm công khai, minh bạch về nghĩa vụ và trách nhiệm trong thủ tục hành chính nhà nước và dịch vụ công để quyền tài sản được giao dịch thông suốt; bảo đảm hiệu lực thực thi và bảo vệ có hiệu quả quyền sở hữu tài sản.
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đất đai, tài nguyên để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, khắc phục tình trạng sử dụng đất lãng phí.
Hoàn thiện pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
Hoàn thiện pháp luật về đầu tư vốn nhà nước, quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản công, phân biệt rõ tài sản đưa vào kinh doanh và tài sản để thực hiện chính sách xã hội.
Hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Hoàn thiện pháp luật về huy động và giải quyết tranh chấp dân sự theo hướng thống nhất, đồng bộ. Phát triển hệ thống đăng ký các loại tài sản, nhất là bất động sản.
Xây dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia.
Hoàn thiện thể chế phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp cần thực hiện các nội dung sau:
Thực hiện nhất quán một chế độ pháp lý kinh doanh cho các doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế. Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật.
Hoàn thiện pháp luật về đầu tư, kinh doanh, bảo đảm đầy đủ quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh của các chủ thể kinh tế đã được Hiến pháp quy định; xoá bỏ các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Hoàn thiện thể chế về cạnh tranh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh; xử lý dứt điểm tình trạng chồng chéo các quy định về điều kiện kinh doanh.
Rà soát, hoàn thiện pháp luật về đấu thầu, đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan, kiên quyết xoá bỏ các quy định bất hợp lý.
Hoàn thiện thể chế về các mô hình sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả của các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, các đơn vị sự nghiệp, các nông lâm trường. Trong đó chú ý các nội dung như:
Thể chế hoá việc cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Hoàn thiện thể chế về huy động các nguồn lực dân sự và đổi mới cơ chế quản lý của Nhà nước để các đơn vị sự nghiệp công lập phát triển có hiệu quả.
Thể chế hoá mô hình và phương thức hoạt động của kinh tế tập thể.
Tạo cơ chế để các khu vực kinh tế phát triển đồng bộ, góp phần xác lập trình độ phát triển dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, trong đó cần chú trọng thể chế để phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng chủ động lựa chọn các dự án đầu tư nước ngoài có chuyển giao công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, có cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ tại Việt Nam, có cam kết liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế.
b. Hoàn thiện thể chế phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường
Hoàn thiện thể chế phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường.
Các yếu tố thị trường như hàng hoá, giá cả, cạnh tranh, cung cầu,... cần phải được vận hành theo nguyên tắc thể chế kinh tế thị trường. Muốn vậy, hệ thống thể chế về giá, về thị trường cạnh tranh, về chiến lược giao hàng, dịch vụ,... cần phải được hoàn thiện để thúc đẩy sự hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường.
Hoàn thiện thể chế phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt các loại thị trường.
Các loại thị trường cơ bản như thị trường hàng hoá, dịch vụ; thị trường vốn; thị trường công nghệ; thị trường sức lao động,... cần phải được hoàn thiện. Đảm bảo sự vận hành thông suốt, phát huy tác động tích cực, cộng hưởng của các thị trường đối với sự phát triển của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
c. Hoàn thiện thể chế gắn kết thị trường kinh tế với bảo đảm phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội và thúc đẩy hội nhập quốc tế
Xây dựng hệ thống thể chế để có thể kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế nhanh và bền vững với phát triển xã hội bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, tạo cơ hội cho mọi thành viên trong xã hội tham gia bình đẳng và hưởng lợi từ thành quả của quá trình phát triển.
Lịch sử thế giới đã chứng minh rằng, những nước có nền kinh tế thị trường phát triển nhanh đều là những nước biết mở cửa, hội nhập. Theo đó, xây dựng và hoàn thiện thể chế về hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam hiện nay cần tập trung vào các nhiệm vụ sau:
Tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi hệ thống pháp luật và các thể chế liên quan đáp ứng yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Thực hiện nhất quán chủ trương đa phương hoá, đa dạng hoá trong hợp tác kinh tế quốc tế, không để bị lệ thuộc vào một thị trường nào. Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tiềm lực của các doanh nghiệp trong nước. Xây dựng và thực hiện các cơ chế phù hợp với thông lệ quốc tế để chủ động thích ứng với những biến động trên thị trường thế giới, bảo vệ thị trường trong nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo nền tảng cho sự phát triển của đất nước.
3. Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và hệ thống chính trị
Xây dựng hệ thống thể chế đúng đắn để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, vai trò xây dựng và thực hiện thể chế kinh tế của Nhà nước, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để phát triển thành công nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam phải phát huy được sức mạnh về trí tuệ, nguồn lực và sự đồng thuận của toàn dân tộc. Muốn vậy, cần phải nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, vai trò của Nhà nước và phát huy vai trò của nhân dân.
e-LECTURER.vn -Triết học và ứng dụng
0 Nhận xét