Phương thức tồn tại của vật chất
Vận động
Theo Ph. Ăngghen: “Vận động, hiểu theo nghĩa chung nhất, - tức được hiểu là một phương thức tồn tại của vật chất, là một thuộc tính cố hữu của vật chất, thì bao gồm tất cả mọi sự thay đổi và mọi quá trình diễn ra trong vũ trụ, kể từ sự thay đổi vị trí giản đơn cho đến tư duy”
Vận động theo quan điểm duy vật biện chứng không bị quy về hình thức giản đơn là sự di chuyển vị trí của vật thể trong không gian, mà chỉ mọi sự biến đổi nói chung. Với cách hiểu như thế, vận động là hình thức tồn tại của vật chất, nhờ vận động và thông qua vận động mà vật chất biểu hiện sự tồn tại của mình. Vận động của vật chất là tự thân vận động, là tuyệt đối, vĩnh viễn.
Các hình thức vận động cơ bản của vật chất: vận động cơ học (sự di chuyển vị trí của sự vật trong không gian); vận động vật lý (sự vận động của các phân tử, điện tử, các hạt cơ bản, của các quá trình nhiệt, điện...); vận động hóa học (sự hóa hợp và phân giải của các chất); vận động sinh vật (sự biến đổi gen, trao đổi chất giữa cơ thể sinh vật với môi trường); vận động xã hội (sự biến đổi trong các lĩnh vực của xã hội, sự thay thế nhau các hình thái kinh tế - xã hội).
Mỗi hình thức vận động cơ bản trên khác nhau về chất, nhưng giữa chúng lại có mối quan hệ hữu cơ với nhau, trong đó hình thức vận động cao xuất hiện trên cơ sở của hình thức vận động thấp hơn, bao hàm trong nó những hình thức vận động thấp hơn và các hình thức vận động có thể chuyển hóa cho nhau.
Đứng im là một trạng thái đặc biệt của vận động, vận động trong trạng thái cân bằng, trong sự ổn định tương đối, nói lên sự vật còn là nó mà chưa chuyển hóa thành cái khác; không có đứng im tuyệt đối, sự vật, hiện tượng chỉ đứng im trong một mối tương quan hoặc một hình thức vận động nhất định.
Không gian, thời gian
Không gian là hình thức tồn tại của vật chất xét về mặt quảng tính[1], sự cùng tồn tại, trật tự[2] và sự tác động lẫn nhau. Thời gian là hình thức tồn tại của vật chất, xét về mặt độ dài diễn biến, sự kế tiếp nhau của các quá trình vật chất[3].
Không gian và thời gian có tính khách quan, vĩnh cửu và vô tận. Không gian có tính ba chiều (chiều dài, chiều rộng, chiều cao); thời gian có tính một chiều (từ quá khứ - đến tương lai).
-----
[1] chiều cao, chiều rộng, chiều dài
[2] trước hay sau, trên hay dưới, bên phải hay bên trái
[3] lâu, mau, nhanh, chậm
-----
Nguồn: Mai K Đa, Bùi Quang Hưng (2023), Triết học Mác – Lênin: một tóm tắt rất ngắn gọn. Tài liệu hỗ trợ học tập - Lưu hành nội bộ. Url: http://www.elibrary.vn/p/triet-hoc-mac-lenin-tom-tat.html
e-LECTURER.vn
Blog chia sẻ tài liệu hữu ích cho giảng viên, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh!
0 Nhận xét