Nhà nước
a) Nguồn gốc của nhà nước
Ph. Ăngghen cho rằng, nhà nước là một phạm trù lịch sử. Nhà nước là “sản phẩm của một xã hội đã phát triển tới một giai đoạn nhất định”, khi trong xã hội xuất hiện “biểu hiện của mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được”.
Nguyên nhân sâu xa của sự xuất hiện nhà nước là do sự phát triển của LLSX dẫn đến sự dư thừa tương đối của cải, xuất hiện chế độ tư hữu. Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự xuất hiện nhà nước là do mâu thuẫn giai cấp trong xã hội gay gắt không thể điều hòa được.
Nhà nước ra đời là một tất yếu khách quan để “làm dịu” sự xung đột giai cấp, duy trì trật tự xã hội trong vòng “trật tự” mà ở đó, địa vị và lợi ích của giai cấp thống trị được đảm bảo.
b) Bản chất của nhà nước
Về bản chất, nhà nước là một tổ chức chính trị của một giai cấp thống trị về mặt kinh tế nhằm bảo vệ trật tự hiện hành và đàn áp sự phản kháng của các giai cấp khác. Nhà nước là công cụ chuyên chính của một giai cấp. Không có nhà nước đứng trên hoặc đứng ngoài giai cấp.
c) Đặc trưng cơ bản của nhà nước
Nhà nước thường có ba đặc trưng cơ bản: nhà nước quản lý cư dân trên một vùng lãnh thổ nhất định; nhà nước có hệ thống các cơ quan quyền lực chuyên nghiệp mang tính cưỡng chế đối với mọi thành viên; nhà nước có hệ thống thuế khóa để nuôi bộ máy chính quyền.
d) Chức năng cơ bản của nhà nước
Về bản chất, nhà nước là công cụ thống trị của giai cấp thống trị, song để duy trì xã hội trong vòng “trật tự”, nhà nước đồng thời phải thực hiện nhiều chức năng như: chức năng thống trị chính trị và chức năng xã hội, chức năng đối nội và chức năng đối ngoại,...
Chức năng thống trị chính trị: là công cụ thống trị giai cấp, nhà nước thường xuyên sử dụng bộ máy quyền lực để duy trì sự thống trị đó thông qua hệ thống chính sách và pháp luật.
Chức năng xã hội: nhà nước nhân danh xã hội làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về xã hội, điều hành các công việc chung của xã hội như: thủy lợi, giao thông, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường,... để duy trì sự ổn định của xã hội trong “trật tự” theo quan điểm của giai cấp thống trị.
Chức năng đối nội: thực hiện đường lối đối nội nhằm duy trì trật tự xã hội thông qua các công cụ như: chính sách xã hội, luật pháp, cơ quan truyền thông, văn hóa, giáo dục...
Chức năng đối ngoại: triển khai thực hiện chính sách đối ngoại của giai cấp thống trị nhằm giải quyết mối quan hệ với các thể chế nhà nước khác dưới danh nghĩa là quốc gia, dân tộc, nhằm bảo vệ lãnh thổ quốc gia, đáp ứng nhu cầu trao đổi kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, y tế, giáo dục,... của mình.
đ) Các kiểu và hình thức nhà nước
Kiểu nhà nước dùng để chỉ bộ máy thống trị đó thuộc về giai cấp nào, tồn tại trên cơ sở chế độ kinh tế nào, tương ứng với hình thái kinh tế - xã hội nào. Trong lịch sử xã hội có giai cấp đã từng tồn tại bốn kiểu nhà nước: kiểu nhà nước chiếm hữu nô lệ; kiểu nhà nước phong kiến; kiểu nhà nước tư sản; kiểu nhà nước vô sản.
Hình thức nhà nước dùng để chỉ cách thức tổ chức, phương thức thực hiện quyền lực nhà nước của giai cấp thống trị. Hình thức nhà nước thực chất là hình thức cầm quyền của giai cấp thống trị. Một kiểu nhà nước có thể có nhiều hình thức nhà nước khác nhau. Kiểu nhà nước chủ nô có các hình thức: nhà nước chủ nô quý tộc, nhà nước chủ nô dân chủ. Kiểu nhà nước phong kiến có các hình thức: nhà nước phong kiến tập quyền, nhà nước phong kiến phân quyền. Kiểu nhà nước tư sản có các hình thức: nhà nước cộng hòa tổng thống, nhà nước cộng hòa đại nghị, nhà nước cộng hòa hỗn hợp, nhà nước quân chủ lập hiến, v.v.. Kiểu nhà nước vô sản có các hình thức: nhà nước Xôviết, nhà nước dân chủ nhân dân.
-----
Nguồn: Mai K Đa, Bùi Quang Hưng (2023), Triết học Mác – Lênin: một tóm tắt rất ngắn gọn. Tài liệu hỗ trợ học tập - Lưu hành nội bộ. Url: http://www.elibrary.vn/p/triet-hoc-mac-lenin-tom-tat.html
e-LECTURER.vn
Blog chia sẻ tài liệu hữu ích cho giảng viên, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh!
0 Nhận xét